Translate

vendredi 14 septembre 2012

chuot và nhà khoa hoc.



-Chuột và... các nhà khoa họcJul 10, '09 11:48 AM

Chuột và... các nhà khoa học

Năm Mậu Tí là cơ hội để chúng ta tìm hiểu con vật rất có ích cho con người - loài chuột. Bài “Chuột - dưới mắt nhà khoa học” cho thấy chuột đóng một vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tôi muốn bàn lại một số chi tiết trong bài viết.

1. Bài viết cho biết: “Vào những năm 1700, đã có chuột nuôi, buôn bán làm vật cảnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Vào thời Nữ hoàng Anh Victorya, đã có giải thưởng cho chuột cảnh “fancy”. Năm 1895, Walter Maxey khởi xướng, người Anh sáng lập ra “Câu lạc bộ Chuột quốc gia”. Đến thế kỷ XX thì đã có rất nhiều con chuột cảnh có màu lông khác nhau do lai tạo đột biến
.

Vào thời kỳ này, Học thuyết di truyền của Gregor Mendel người Hà Lan đã tác động mạnh lên giới khoa học, chuột nuôi đã được chọn là động vật thí nghiệm nghiên cứu di truyền. Năm 1902, chuột là động vật có vú đầu tiên dùng để chứng minh Định luật Mendel.”

Ở đây có vài chi tiết nhỏ về lịch sử cần xem lại. Theo trang web answers.com (nơi có nhiều thông tin về chuột trùng hợp với bài viết của tác giả) thì tên của hoàng hậu Anh là Victoria (Queen Victoria), chứ không phải “Vyctoria”.

Báo chí tiếng Anh, khi nói đến “Victoria era” (thời đại Victoria), người ta thường ngầm hiểu đó là thời gian từ 1837 đến 1901, thời Hoàng hậu Victoria trị vì nước Anh.

2. Gregor Johann Mendel (20/7/1822 – 6/1/1884) là người gốc Áo (Austria), chứ không phải gốc Hà Lan. Tuy xuất thân là một giáo sĩ dòng Augustine, nhưng ông cũng là một nhà khoa học có hạng, được xem là “cha đẻ” của ngành di truyền học hiện đại.

Công trình nghiên cứu nổi tiếng (nhưng cũng gây ít nhiều tai tiếng về dữ liệu) là ông cho lai hai giống đậu, và đậu được lai giống tuân theo một qui luật xác suất mà ngày nay chúng ta thường biết đến như là Định luật Mendel trong di truyền học [1].

Năm 1865, ông công bố kết quả nghiên cứu và một số suy nghĩ của ông trong hai hội nghị khoa học, và năm 1866 ông chính thức công bố dưới hình thức một bài báo khoa học. Nhưng thời đó chẳng ai chú ý đến lí thuyết di truyền của ông.

Trong vòng 35 năm sau đó, bài báo của ông chỉ được trích dẫn có 3 lần! Thậm chí, nhiều người phê bình lí thuyết của ông là “không tưởng”! Nhưng nay thì chúng ta biết rằng bài báo đó mở đầu cho một học thuyết di truyền học và dẫn đến công nghệ sinh học như ngày nay.

Cần nói thêm rằng một số kết quả thí nghiệm của Mendel vẫn còn là bí ẩn, vì các nhà khoa học sau này không lặp lại được kết quả của ông. Ronald Fisher, một nhà di truyền học và thống kê học, phân tích số liệu của Mendel cũng nhận xét rằng xác suất mà số liệu thu thập đúng như kết quả của Mendel rất thấp.

Có người cáo buộc rằng Mendel đã sửa số liệu cho phù hợp với lí thuyết của ông (tức là gian lận khoa học), nhưng đó chỉ là ý kiến của một số nhỏ nhà khoa học; phần lớn đều chấp nhận lí thuyết của Mendel đúng.

3. Tác giả cho biết “Một báo cáo năm 1915 của Haldane đã dẫn đến đặt vấn đề về bản đồ di truyền của chuột. Việc này tiến triển rất chậm cho đến mãi 50 năm sau. Những năm đầu thập niên 1980, nhiễm sắc thể chuột được đưa ra với bản đồ của 7 nhiễm sắc thể 45 loci.” Có lẽ tác giả muốn nói đến John Burdon Sanderson Haldane (5/11/1892 – 1/12/1964), thường hay viết là JBS Haldane.

Theo tài liệu tôi có thì năm 1915 là năm ông gia nhập quân đội (thời Thế chiến thứ nhất), ông chưa làm nghiên cứu di truyền học lúc đó. Đến năm 1919 thì ông xuất ngũ, và theo học tại Đại học Oxford từ 1919 đến 1922.

Đóng góp quan trọng nhất của JBS Haldane không liên quan đến bản đồ di truyền, mà là ứng dụng thống kê học trong di truyền, qua một loạt 10 công trình về tiến hóa của gen được công bố liên tục từ 1924 đến 1934. Do những đóng góp này, JBS Haldane được xem là một trong 3 trụ cột của di truyền quần thể học (population genetics), chỉ đứng sau Ronald Fisher và Sewall Wright [2].

Tất cả các nhà khoa học danh tiếng trong di truyền học như Ronald Fisher, Karl Pearson, Francis Galton, JBS Haldane, v.v… đều có những “mặt trái” mà khoa học ngày nay khó chấp nhận.

Trong trường hợp của JBS Haldane, vốn xuất thân trong một gia đình bảo thủ và “đạo cao đức trọng”, ông từng xuất bản (năm 1924) một cuốn sách biện minh và kêu gọi sử dụng hóa học và sinh học trong như là những phương tiện chiến tranh! Là một nhà khoa học từng có thời làm lính, nhưng ông cho rằng chiến tranh hóa học và sinh học là … nhân đạo!

4. Ngoài ra, bài viết cũng có một số thông tin thú vị về lịch sử chuột cần được xem lại. Chẳng hạn như chuột từng được nuôi trong nhà như là gia cầm. Liên quan đến ý này, tác giả viết “Người ta không biết chắc chắn con người bắt đầu nuôi chuột thành vật cưng từ khi nào …”.

Cụm từ “vật cưng” (từ điển Anh – Việt hay dịch) ở đây đúng, nhưng tôi e rằng cách dịch như thế của từ điển chưa hẳn đầy đủ và chính xác. Trong tiếng Anh, chữ pet thường chỉ một con vật nuôi trong nhà để làm cảnh và giải trí. Ở các nước phương Tây, chó và mèo là hai con vật được nuôi dưỡng cho mục tiêu như thế. Do đó, chính xác hơn, chuột từng được nuôi làm vật làm cảnh và giải trí.

Về ý nghĩa của chữ mus cũng có thể bàn thêm. Bài viết cho biết “Con chuột nhắt trong nhà chúng ta có tên loài theo tiếng Latin là ‘Mus usculus’; ‘Mus’ có nghĩa là ‘Mouse-chuột’, và ‘Musculus’ có nghiã là ‘con nhuột nhỏ’ ta gọi là ‘chuột nhắt’.” Xuất phát chữ mus đúng như tác giả mô tả, nhưng nghĩa thì có lẽ hơi khác. Chữ mouse trong tiếng Anh bắt nguồn từ gốc Latin là mus, rồi tiếng Hi Lạp là mys và cuối cùng là du nhập vào tiếng Phạn cổ là mush đều có nghĩa là “ăn cắp” [3].

Chuột là con vật hi sinh nhiều nhất cho con người. Có thể nói rằng hầu hết tất cả các thuốc và thuật điều trị mà con người đang sử dụng đều có sự hi sinh của chuột trước khi áp dụng trên người. Nhưng ngày nay có quá nhiều nghiên cứu vô bổ và chất lượng không cao, nên sự hi sinh của chuột nhiều khi không đem lại lợi ích gì cho y học.

Ngày nay, qua khoa học chúng ta biết rằng chuột là con vật có tri giác và cũng biết đau, cho nên vấn đề y đức về thí nghiệm trên chuột đã được đặt ra và tranh luận nhiều lần. Ở các viện nghiên cứu phương Tây, người ta có có ủy ban y đức để duyệt xét các nghiên cứu liên quan đến chuột, và qui trình nghiên cứu cũng phải tuân thủ theo các thủ tục nghiêm ngặt về đạo đức với chuột.

Nhân năm Mậu Tí, chúng ta cần biết về con vật độc đáo và có ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam. Cám ơn tác giả bài viết về chuột dưới cái nhìn của một nhà khoa học.

Theo tôi, chúng ta - con người - phải cám ơn chuột, vì con vật này đã hi sinh quá nhiều cho nghiên cứu khoa học nhằm đem lại hạnh phúc và sức khỏe cho con người. Có thể nói không ngoa rằng một phần lớn của lịch sử y học hiện đại được xây dựng trên con chuột, và không có chuột, chưa chắc chúng ta có tuổi thọ dài như ngày nay.

Chú thích:

[1] Về lịch sử của chuột và thí nghiệm trên chuột có thể đọc cuốn Mouse Genetics của LM Silver, Oxford University Press, New York, 1995.

[2] Về JBS Haldane, có thể tham khảo sơ qua về sự nghiệp của ông tại trong web wikipedia.

[3] Tiểu sử của Mendel có thể xem qua trang web wikipedia, hay đầy đủ hơn trong cuốn Gregor Mendel: Father of Genetics (Great Minds of Science) của Roger Klare và Gregor Mendel, nhà xuất bản Enslow Publishers, 1997.

Ykhoa.com

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire